“Đất nền là sản phẩm đầu tư dài hạn, khi quyết định đầu tư đất nền nên xác định nó là dài hạn, mua và quên nó đi. Cái sai lầm khi đầu tư đất nền là chỉ để mua đi bán lại…”
Ông Dương Đức Hiển - Giám đốc phòng kinh doanh
bất động sản nhà ở Savills Việt Nam đã có những chia sẻ thú vị về phân khúc đất nền, nhất là sau sự việc lừa đảo ở Công ty Alibaba. Liệu đất nền có là phân khúc sáng để đầu tư trong tương lai?
Thưa ông, sau sự việc địa ốc Alibaba lừa đảo bán dự án “ma”, thị trường đất nền nói chung, nhất là thị trường phía Nam dường như đang trầm xuống. Ông có thể phân tích diễn biến tâm lý của nhà đầu tư khi đầu tư vào phân khúc đất nền?
Năm 2015, thị trường chứng khoán mới nổi, các nhà đầu tư kấy cái gì người ta bảo ra tiền là đều lao vào đầu tư, thậm chí không cần hỏi và quan tâm công ty đấy là cái gì, chỉ biết mỗi mã chứng khoán.
Cũng giống như đất nền, khi nghe người ta bảo “sốt” cũng kéo nhau đi đầu tư, nhưng họ quên mất khái niệm, bản chất của đất nền là cái gì.
Đất nền là sản phẩm đầu tư dài hạn, tôi mua mảnh đất chưa có nhu cầu xây dựng thì không ai bắt phải xây cả, 20 năm nữa, tôi xây dựng cũng không sao. Bản chất đất nền chỉ là một mảnh đất và không có tính thương mại.
Do vậy, nói đến tâm lý nhà đầu tư đất nền sau vụ Alibaba thì mọi người đã thận trọng hơn về câu chuyện pháp lý. Đây là điều chúng ta đã cảnh tỉnh và khuyến cáo các nhà đầu tư rất nhiều.
Việt Nam là một trong những nước có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất thế giới. Có nhiều khu vực, khi phân lô bán nền xong sau 1-2 năm đã có người ở và biến thành khu dân cư hiện hữu. Nhưng có những khu phân lô bán nền xong sau 10 năm sau vẫn là khu đất trống. Điều này liên quan đến định hướng phát triển cũng như vị trí dự án.
Vì thế, trước khi đầu tư cần quan tâm đến pháp lý của dự án là gì. Các nhà đầu tư có thể đến cơ quan, chính quyền địa phương để tìm hiểu dự án, xem xét dự án đã được phê duyệt chưa.
Đất nền có phải kênh đầu tư sáng giá trong tương lai không, thưa ông?
Đất nền là sản phẩm đầu tư dài hạn, khi quyết định đầu tư đất nền nên xác định nó là dài hạn, mua và quên nó đi. Cũng giống như những lời khuyên trước đây của nhiều chuyên gia khi đầu tư chứng khoán, đôi khi có người đầu tư dài hạn họ chỉ mua một mã cổ phiếu khi nhận định nó tiềm năng và để đó 10 năm sau quay lại xem như thế nào.
Đất nền chỉ là một trong những sản phẩm của rất nhiều sản phẩm bất động sản. Cái sai lầm trong câu chuyện đầu tư đất nền đó là chỉ để mua đi bán lại, chờ tăng giá… Tôi cho rằng, đây mới chính là lý do chính dẫn đến bong bóng
bat dong san.
Khi những mảnh đất không được đầu tư phát triển xây dựng, không có tính thương mại nhưng lại được mua đi bán lại, đẩy giá lên cao. Nếu những mảnh đất đó được thế chấp ngân hàng thì bong bóng phát sinh từ đây, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Với tôi, tôi chỉ nhìn vào đất nền giống như một lương khô, tôi đầu tư mua một mảnh đất để sau này cho con cái thay vì việc mua xong và kỳ vọng trong vòng 1-2 tháng hay 6 tháng, 1 năm bán nó đi để kiếm lời gấp đôi.
Nếu cả nước tập trung đầu tư đất nền sẽ dẫn đến việc nhiều người sở hữu rất nhiều đất nhưng không “đẻ” được ra tiền.
Đầu tư bất động sản không phải là câu chuyện đầu tư ngắn hạn, tất cả các dự án bất động sản ít nhất phải là trung hạn trở lên để xây dựng và phát triển dự án đi vào hoạt động.
Vậy, khi lựa chọn đất nền là kênh đầu tư, nhà đầu tư cần lưu ý những yếu tố nào để tránh “tiền mất tật mang”, thưa ông?
Nhà đầu tư có dòng vốn dư thừa thì có thể quan tâm đầu tư đất nền thay vì đòn bẩy tài chính.
Đừng đi vay tiền để đầu tư đất nền. Bởi vay tiền để mua được mảnh đất xong sau đó lại không có tiền để xây dựng, để kinh doanh… mà để đất đó không bán được sẽ thành nợ xấu, nợ xấu thành bong bóng bất động sản.
Nếu có dòng tiền ổn định đầu tư đất nền cũng nên xác định đầu tư trung hạn cho đến dài hạn, thay vì chỉ tìm cách đầu tư trong ngắn hạn rồi lại tìm cách bán đi.
Theo tôi, trước khi đầu tư phải xem quy hoạch khu đó như thế nào, bao giờ sẽ phát triển, xung quanh dự án đất nền đó có những cái gì đảm bảo yếu tố mang lại thương mại cho khu đó không.
Theo quy định, dự án phải công khai minh bạch, nhất là những giấy tờ pháp lý như quyết định 1/500, chấp thuận đầu tư, giấy phép xây dựng, sổ đỏ… Nếu chủ đầu tư không cung cấp được những giấy tờ này thì tốt nhất đừng nên đầu tư.
Xin cảm ơn ông!